NDĐT- Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 15-12, vẫn còn năm nhóm đối tượng chính sách với tổng số 16,2 triệu người do Ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Do đó, Chính phủ quyết định cho phép tiếp tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng này đến hết ngày 30-6-2016 để bảo đảm các quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh cho họ.
Năm nhóm đối tượng do Ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chưa được cấp thẻ BHYT cho năm 2016 là người thuộc hộ gia đình nghèo: 3,76 triệu người; người thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng: 2,92 triệu người; người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn: 6,99 triệu người; người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: 2,46 triệu người; người sinh sống ở xã đảo, huyện đảo: 90 nghìn người.
Nguyên nhân chính là do đối với các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế… vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
Đối với người dân tộc thiểu số và đối tượng đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2014 - 2015; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được cấp thẻ BHYT theo Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 chưa có văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện từnăm 2016 trở đi.
Do đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng cho phép các nhóm đối tượng nêu trên tiếp tục được hưởng các quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT đến hết ngày 30-6-2016. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định là cho phép gia hạn việc cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng trên đến hết ngày 30-6-2016.
Trước mắt, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện chủ trương này và tiếp tục cấp thẻ cho 16,2 triệu nhóm đối tượng chính sách trên.
Cơ quan này cũng mong muốn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc kịp thời hướng dẫn và đề xuất với Chính phủ quyết định chính sách cho những đối tượng nêu trên được hưởng chính sách BHYT giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2016 có xấp xỉ 70 triệu người tham gia BHYT, hoàn thành chỉ tiêu năm nay. Về cơ bản, các đối tượng tham gia BHYT đã được cấp thẻ BHYT sử dụng trong năm 2016. Trước mắt, chế độ khám, chữa bệnh BHYT cho năm nhóm đối tượng, vẫn giữ nguyên tới thời điểm 30-6-2016, tới khi có quy định mới thì sẽ cấp từ thời điểm 1-7-2016. Từ nay đến hết tháng sáu năm sau, nhóm đối tượng này không phải lo lắng về việc thay đổi chế độ, chính sách khi chưa có văn bản hướng dẫn.
Riêng với nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT, sẽ áp dụng theo chuẩn nghèo mới dựa trên tiêu chí nghèo đa chiều, căn cứ vào tiêu chí xác định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê.
Trước đó, ngày 19-11, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 59/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo quy định là 700 nghìn đồng/người/tháng đối với khu vực ở nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng đối với ở khu vực thành thị. Chuẩn cận nghèo quy định 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực ở nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm năm dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 5-1-2016.